ATP trở lại Trung Quốc sau bốn năm

Sự kiện Masters 1000 châu Á duy nhất trong năm diễn ra từ 4-15/10 tại Thượng Hải. Nhà vô địch gần nhất là Daniil Medvedev năm 2019. Trong các năm 2020, 2021 và 2022, giải không được tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch tại Trung Quốc.





Djokovic lần thứ tư vô địch Thượng Hải Masters, vào năm 2018. Ảnh: AP

Djokovic lần thứ tư vô địch Thượng Hải Masters, vào năm 2018. Ảnh: AP

Trước đó một tuần, từ 28/9 – 4/10, giải ATP 500 Trung Quốc Mở rộng diễn ra tại Bắc Kinh. Ở hai sự kiện ATP nổi bật tại Trung Quốc, Djokovic đều không góp mặt dù đây là điểm đến ưa thích của anh trong sự nghiệp.

“Trong những năm qua, Trung Quốc là một trong những nơi tôi nhận được sự cổ vũ nhiệt thành nhất”, tay vợt số một thế giới viết trên mạng xã hội hôm 18/9. “Tôi sẽ nhớ các CĐV rất nhiều. Hy vọng tôi có thể trở lại và thi đấu trước các khán giả tại đây một lần nữa”.

Theo quy định của ATP, Thượng Hải Masters là sự kiện gần như bắt buộc phải tham gia đối với các tay vợt thuộc top 78 thế giới. Các tay vợt lớn chỉ được phép vắng mặt nếu chấn thương, hoặc trên 30 tuổi, hoặc thi đấu trên 13 năm hay thắng trên 600 trận. Djokovic đáp ứng được ba tiêu chí sau, nên có thể rút khỏi giải ngay cả khi không chấn thương. Tay vợt Serbia, sau khi đưa Serbia vào tứ kết Davis Cup, sẽ tập trung cho Paris Masters và ATP Finals trong phần còn lại mùa giải.

Với việc Djokovic không thi đấu ở Trung Quốc, Carlos Alcaraz có cơ hội rút ngắn khoảng cách điểm với Nole trên bảng thứ bậc ATP, và chiếm ưu thế trong cuộc đua số một vào cuối năm. Alcaraz đang kém Djokovic 3.260 điểm nhưng chỉ cần bảo vệ 360 điểm trong phần còn lại mùa giải. Nole phải bảo vệ tới 2.850 điểm, gồm 250 điểm tại giải Tel Aviv, 500 điểm ở Astana Mở rộng, 600 điểm Paris Masters và 1.500 điểm ở ATP Finals.

Thượng Hải Masters quy tụ hầu hết các tay vợt trong top đầu như Alcaraz, Medvedev, Stefanos Tsitsipas hay Holger Rune. Tổng tiền thưởng là 8,8 triệu USD, trong đó nhà vô địch nhận 1,26 triệu.

Vy Anh



See also  Hiện tượng Mỹ lần đầu vô địch ATP