Djokovic thất vọng với tiền thưởng quần vợt

“Tôi đứng về phía các tay vợt đang gặp khó khăn tài chính”, Djokovic phát biểu trong cuộc họp của Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp. “Họ đối mặt rất nhiều khoản chi, mà nếu không có hỗ trợ từ hiệp hội thì đó sẽ là vấn đề lớn”.

Djokovic kiếm được khoảng ba triệu USD nhờ danh hiệu Mỹ Mở rộng vừa giành được. Tổng tiền thưởng của anh năm nay đã vượt mốc 10 triệu USD, phần lớn nhờ thắng ba trong bốn trận chung kết Grand Slam. Tay vợt Serbia cho rằng ATP cần cơ chế trả thưởng khác cho các tay vợt nam, nữ và các tay vợt chỉ đánh đôi.

“Chỉ 400 tay vợt kiếm sống được với nghề, con số rất ít với một môn thể thao toàn cầu”, Djokovic nói thêm. “Đây là thất bại của quần vợt. Gần như không ai quan tâm tới việc bao nhiêu tay vợt có thể theo đuổi sự nghiệp với mức thu nhập hiện tại”.





Djokovic là Chủ tịch Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp PTPA – tổ chức giúp đỡ các tay vợt tham gia nhiều hơn vào quá trình trả thưởng của các sự kiện chuyên nghiệp. Ảnh: AP

Djokovic là Chủ tịch Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp PTPA – tổ chức giúp đỡ các tay vợt tham gia nhiều hơn vào quá trình trả thưởng của các sự kiện chuyên nghiệp. Ảnh: AP

Phát biểu của Djokovic được đăng tải sau khi tay vợt Ấn Độ Sumit Nagal tuần trước cho biết chỉ còn 900 euro trong tài khoản ngân hàng. Nagal đang đứng 159 ATP, thừa nhận sống nhờ giúp đỡ của một tổ chức quần vợt và một công ty nhiên liệu trong bối cảnh không có nhà tài trợ lớn.

Nagal là tay vợt hàng đầu Ấn Độ nhiều năm qua. Sau khi cùng Lý Hoàng Nam vô địch đôi nam ở giải trẻ Wimbledon 2015, Nagal có lúc vươn lên đến thứ 122 ATP năm 2020. Tay vợt người Ấn Độ còn ba lần dự vòng đấu chính các giải Grand Slam và từng thắng một set trước Roger Federer ở vòng một Mỹ Mở rộng 2019. Anh cũng là tay vợt duy nhất của Ấn Độ từng được dự nội dung đơn nam ở Olympic và thắng một trận tại Thế vận hội.

Ba năm trước, Djokovic cùng hàng chục tay vợt khác thành lập Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp PTPA nhằm để bảo vệ quyền lợi cho các tay vợt đang chật vật kiếm sống. ATP sau đó gửi thư phản đối PTPA, nhưng Djokovic cho biết tổ chức của anh không có ý định ly khai hay tẩy chay các giải đấu.

Đồng sáng lập PTPA với Djokovic, tay vợt Vasek Popisil khi đó tuyên bố rời ATP bởi tổ chức này “không có bất kỳ tác động đáng kể nào” với các tay vợt. Popisil cho rằng ATP Tour không đảm bảo lịch thi đấu cũng như tiền thưởng hợp lý với các tay vợt nhóm dưới.

Theo TennisHQ, chỉ 150 tay vợt hàng đầu ATP không thua lỗ khi theo đuổi quần vợt, chiếm 6% trong các tay vợt nam chuyên nghiệp được xếp hạng. Top 5 tay vợt nam hay nhất thế giới kiếm trung bình tám triệu USD mỗi năm. Top 50-100 kiếm khoảng 510.456 USD, và những người đứng từ 500 – 1.000 thu nhập 6.996 USD.

Nếu ở ngoài top 600 thế giới, một tay vợt không thể sống bằng tiền thưởng. Họ thu nhập dưới mức tối thiểu so với tiền lương ở Mỹ, chỉ 9.554 USD mỗi năm. Mức này thấp hơn thu nhập của người đóng gói hàng tạp hóa bán thời gian hay shipper.

Các tay vợt ngoài top 1.000 chỉ kiếm khoảng 2.726 USD, không đủ tiền vé máy bay đi du đấu. Thống kê của TennisHQ cho thấy những người trong top 300 chật vật để theo đuổi quần vợt. Các tay vợt từ vị trí 267 – 300 ATP kiếm trung bình 42.000 USD, ngang mức lương của một HLV thể thao hoặc kế toán.

Chi phí của họ khi dự ATP Tour rất cao, gồm lương cho HLV, tiền đi lại, trang thiết bị tập luyện, khách sạn, ăn uống và vật lý trị liệu. Phải vươn lên top 150 thế giới, kiếm trung bình 150.000 USD mỗi năm, thì các tay vợt mới hòa vốn. Họ khi ấy được nhiều người biết tới, có thể dùng hình ảnh để kiếm thêm thu nhập từ quảng cáo, hợp đồng tài trợ.

Vy Anh



See also  Vienna Mở rộng không mời được Alcaraz vì lót tay quá cao