Đồng đội cũ của Lý Hoàng Nam khánh kiệt

“Số tiền trong tài khoản tôi bằng đúng những gì tôi có hồi đầu năm, 900 euro”, Nagal, hiện xếp thứ 159 thế giới, nói với PTI hôm 22/9. “Tôi được giúp đỡ từ một tổ chức quần vợt và tôi cũng nhận được tiền lương hàng tháng từ IOCL, một công ty nhiên liệu, nhưng tôi không có nhà tài trợ lớn nào. Tôi thiếu sự hỗ trợ dù là tay vợt giỏi nhất Ấn Độ trong nhiều năm”.





Nagal tại Mỹ Mở rộng 2019. Ảnh: USO

Nagal tại Mỹ Mở rộng 2019. Ảnh: USO

Sau khi cùng Lý Hoàng Nam vô địch đôi nam ở giải trẻ Wimbledon 2015, Nagal có lúc vươn lên đến thứ 122 ATP năm 2020. Tay vợt người Ấn Độ còn ba lần dự vòng đấu chính các giải Grand Slam và từng thắng một set trước Roger Federer ở vòng một Mỹ Mở rộng 2019. Anh cũng là tay vợt duy nhất của Ấn Độ từng được dự nội dung đơn nam ở Olympic và thắng một trận tại Thế vận hội.

Khó khăn tài chính đến với Nagal từ năm ngoái, khi anh chấn thương hông và phải phẫu thuật. Cùng năm, tay vợt 26 tuổi hai lần mắc Covid-19, phải nghỉ thi đấu nhiều giải. “Tôi dùng toàn bộ tiền thưởng kiếm được trước đây cho giai đoạn khó khăn”, Nagal nói. “Tôi chỉ đi thi đấu với cùng một HLV, không có bác sĩ trị liệu. Khi tôi chấn thương và tụt bậc, không ai muốn giúp tôi, không ai tin tôi có thể trở lại. Tìm kiếm hỗ trợ về tài chính ở Ấn Độ là điều khó khăn. Nhiều lúc, tôi nản lòng và muốn giải nghệ”.

Nagal có lúc rơi khỏi top 400 ATP, nhưng trở lại những tháng qua để tiệm cận top 150. Anh là một trong hai tay vợt Ấn Độ tham dự nội dung đơn nam ở Asiad 19, cùng với Ramkumar Ramanathan – người xếp thứ 569 thế giới. “Các VĐV Ấn Độ nhiều tiềm năng không kém Trung Quốc”, Nagal nói thêm. “Nhưng Trung Quốc đầu tư nhiều cho VĐV của họ, còn Ấn Độ gặp vấn đề trong cả hệ thống. Chúng tôi có 1,4 tỷ dân, không thiếu tài năng. Nhưng ở Olympic Tokyo vừa qua, Ấn Độ chỉ có 5-6 huy chương còn Trung Quốc có 38 HC vàng”.





Nagal (phải) đánh đôi cùng Lý Hoàng Nam ở giải Việt Nam Mở rộng 2017. Ảnh: VO

Nagal (phải) đánh đôi cùng Lý Hoàng Nam ở giải Việt Nam Mở rộng 2017. Ảnh: VO

Chi phí của các tay vợt khi dự những giải ATP Tour rất cao, gồm lương cho HLV, tiền đi lại, trang thiết bị tập luyện, khách sạn, ăn uống và vật lý trị liệu. Theo TennisHQ, 90% tay vợt chuyên nghiệp có thu nhập không đủ sống. Chỉ 150 tay vợt hàng đầu ATP không thua lỗ khi theo đuổi quần vợt. Top 5 tay vợt nam hay nhất thế giới kiếm trung bình tám triệu USD mỗi năm. Top 50-100 kiếm khoảng 510.456 USD, và những người đứng từ 500 – 1.000 thu nhập 6.996 USD.

Nếu ở ngoài top 600 thế giới, một tay vợt không thể sống bằng tiền thưởng. Họ thu nhập dưới mức tối thiểu so với tiền lương ở Mỹ, chỉ 9.554 USD mỗi năm. Mức này thấp hơn thu nhập của người đóng gói hàng tạp hóa bán thời gian hay shipper. Các tay vợt ngoài top 1.000 chỉ kiếm khoảng 2.726 USD, không đủ tiền vé máy bay đi du đấu.

Tay vợt số một Việt Nam – Lý Hoàng Nam đang xếp thứ 376 thế giới. Số tiền thưởng ở các giải Challenger hay Future ITF không đủ chi phí cho Hoàng Nam khi đi thi đấu nước ngoài. Anh chủ yếu đi tập huấn và đấu giải nhờ tiền tài trợ, ước tính hàng tỷ đồng mỗi năm.

Vy Anh



See also  Sinner hạ Medvedev ở chung kết Vienna Mở rộng